Bối cảnh Người_châu_Âu_ở_Trung_Quốc_thời_Trung_Cổ

Hy Lạp thời kỳ Hy Lạp hóa

Trước thế kỷ 13 Công nguyên, trường hợp người châu Âu đến Trung Quốc hoặc người Trung Quốc đến châu Âu là rất hiếm.[1] Trong thế kỷ 3 trước Công nguyên, vua Euthydemos I của Vương quốc Hy Lạp-Bactria ở Trung Á đã tiến hành một cuộc viễn chinh tới khu vực Lòng chảo Tarim (ngày nay là khu vực Tân Cương, Trung Quốc) để tìm kiếm kim loại quý.[4][5] Ảnh hưởng của người Hy Lạp đến tận vùng viễn đông như tại khu vực Lòng chảo Tarim vào thời điểm này dường như còn được xác nhận qua việc phát hiện ra tấm thảm thêu Sampul. Tấm thảm len treo tường này được trang trí bằng bức họa vẽ một người lính mắt xanh và có khả năng là người Hy Lạp cùng với hình ảnh một nhân mã đang nhảy chồm lên. Đó là mô típ Hy Lạp hóa thường thấy lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp.[6][7][8] Tuy nhiên, người ta cũng biết rằng những dân tộc Ấn-Âu khác như Nguyệt Chi, SakaTochari đều sinh sống tại Tây Vực trước và sau khi bị ảnh hưởng bởi người Hán trong suốt thời kỳ Hán Vũ Đế trị vì (khoảng 141 – 87 TCN).[9][10][11][12] Sứ giả của Hán Vũ Đế là Trương Khiên (mất năm 113 TCN) được cử đi Tây Vực liên minh với người Nguyệt Chi chống Hung Nô nhưng không thành công. Dù vậy, ông vẫn mang về những báo cáo tận mắt chứng kiến về di sản của nền văn minh Hy Lạp hóa trong chuyến đi đến "Đại Uyên" thuộc Thung lũng Fergana. Thủ đô của quốc gia này là Alexandria Eschate. Ngoài ra, ông còn đến "Đại Hạ" thuộc Bactria, ngày nay là AfghanistanTajikistan.[13] Sau này, người Hán chiếm được Đại Uyên trong chiến tranh Hán – Đại Uyên.[14][15] Có nguồn ý kiến cho rằng Đội quân đất nung (các tác phẩm điêu khắc mô tả đội quân của Tần Thủy Hoàng, Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc; có niên đại khoảng 210 trước Công nguyên) ở vùng Tây An, tỉnh Thiểm Tây lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp.[16] Giả thuyết này đã gây ra một số tranh cãi.[17]

Tại nghĩa trang của Sampul cách Hòa Điền (nay thuộc huyện Phổ Lạc, Hòa Điền, Tân Cương) khoảng 14 km,[18] người dân địa phương thường chôn cất người chết từ khoảng năm 217 TCN đến 283 CN.[19] Kết quả phân tích DNA ty thể của hài cốt người đã tiết lộ mối quan hệ di truyền với dân tộc đến từ vùng Kavkaz. Cụ thể là dòng dõi bên ngoại của thi hài có liên hệ với người Ossetiangười Iran, cũng như dòng dõi bên nội có gốc Đông-Địa Trung Hải.[18][19] Mối liên hệ này dường như được củng cố bởi những ghi chép lịch sử. Alexandros Đại đế đã kết hôn một phụ nữ Sogdiana tên là Roxana[20][21][22] và khuyến khích binh lính cũng như tướng lĩnh cưới phụ nữ địa phương làm vợ. Hệ quả là những vị vua sau này của Đế quốc Seleukos và Vương quốc Hy Lạp-Bactria đều có gốc gác Ba Tư-Hy Lạp.[23][24][25][19]

La Mã cổ đại

Bắt đầu từ thời Augustus (27 TCN - 14 CN), soạn giả người La Mã Gaius Plinius Secundus đã đề cập đến mối liên hệ với người Seres, người mà họ xác định là thợ sản xuất lụa từ vùng Đông Á xa xôi. Họ có thể là người Trung Quốc hoặc thậm chí là nhóm người trung gian nào thuộc nhiều sắc tộc khác nhau dọc theo Con đường tơ lụa Trung Á và Tây bắc Trung Quốc.[26] Vị tướng Tây Vực Đô hộ phủ thời Đông HánBan Siêu đã từng khám phá Trung Á. Vào năm 97 TCN, ông phái sứ giả Cam Anh đến Đại Tần (tức Đế quốc La Mã).[27][28] Tuy nhiên, Cam không thể đi xa hơn "bờ biển phía tây" (có thể là Đông Địa Trung Hải) vì nhà cầm quyền Đế quốc Parthia khuyên can ông không nên mạo hiểm đến đó. Dẫu vậy, ông vẫn viết báo cáo chi tiết về Đế quốc La Mã, thành bang, mạng lưới bưu chính và hệ thống lãnh sự của chính phủ để trình lên triều đình Nhà Hán.[29][30]

Sau đó, có một loạt đại sứ quán La Mã ở Trung Quốc kéo dài từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 3 CN, như các nguồn tài liệu Trung Quốc ghi lại. Vào năm 166 CN, Hậu Hán thư ghi chép rằng nhóm người La Mã từ đường biển phía nam đến Trung Quốc và tặng quà cho triều đình Hán Hoàn Đế (khoảng 146 – 168 CN). Nhóm người này tuyên bố họ là đại diện hoàng đế La Mã Marcus Aurelius Antoninus (khoảng 161 – 180 CN).[31][27] Có suy đoán rằng họ là thương nhân La Mã thay vì là nhà ngoại giao chính thức.[31]

Ít nhất, bằng chứng khảo cổ học ủng hộ tuyên bố trong Ngụy lược[32]Lương thư[33] rằng các thương nhân La Mã có hoạt động ở Đông Nam Á. Hay nói cách khác là tuyên bố của đại sứ quán của họ đến Trung Quốc đều thông qua Giao Chỉ, quận mà Trung Quốc lúc bấy giờ kiểm soát ở miền bắc Việt Nam.[34] Huy chương vàng La Mã từ thời Antoninus Pius và Marcus Aurelius trị vì được tìm thấy ở Óc Eo (gần Thành phố Hồ Chí Minh), lãnh thổ Vương quốc Phù Nam giáp với Giao Chỉ.[34] Dấu hiệu về hoạt động thậm chí còn sớm hơn là từ một món đồ dùng thủy tinh của La Mã thời Cộng hòa được khai quật trong một ngôi mộ Tây HánQuảng Châu (bên bờ Biển Đông), có niên đại vào đầu thế kỷ 1 TCN.[35] Ngoài ra, hàng hóa vùng Địa Trung Hải còn có thể tìm thấy ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia.[34] Nhà địa lý học gốc Hy Lạp-La Mã Claudius Ptolemaeus đã viết trong cuốn Geōgraphikḕ Hyphḗgēsis rằng bên ngoài Bán đảo Hoàng kim (cách gọi của người Hy Lạp và La Mã dành cho Bán đảo Mã Lai) có một thành phố cảng tên là Kattigara do một thủy thủ Hy Lạp tên Alexander phát hiện ra. Nhà địa lý học Ferdinand von Richthofen cho rằng địa điểm này là Hà Nội thời Bắc thuộc,[36][37] nhưng bằng chứng khảo cổ học chứng minh nó có thể là Óc Eo.[34][38]

Nhóm nghệ sĩ biểu diễn mà vị vua Miến Điện giới thiệu đến Hán An Đế vào năm 120 CN có khả năng là người Hy Lạp, vì những người này tự nhận họ đến từ "vùng biển phía tây" (tức Ai Cập thuộc La Mã, mà Hậu Hán thư cho là có liên quan đến Đế quốc "Đại Tần").[39][40] Những đế quốc châu Á lúc bấy giờ bao gồm Parthia và Quý Sương cũng tuyển dụng cư dân Hy Lạp hoạt động ở lĩnh vực giải trí như nhạc sĩ và vận động viên tranh tài trong các cuộc thi thể thao.[40][41]

Đế quốc Đông La Mã

Bức họa của Diêm Lập Bản (600–673) thể hiện sứ giả Thổ PhồnLộc Đông Tán (trái) đến yết kiến Đường Thái Tông (trị. 626–649; phải)

Nhà sử học Đông La Mã Procopius Caesariensis khẳng định rằng 2 tu sĩ Kitô giáo Nestorius là người khám phá ra cách làm lụa. Theo như tuyên bố này thì các tu sĩ được Hoàng đế Đông La Mã Justinianus I (trị vì 527 – 565) cử đi làm do thám trên Con đường Tơ lụa. Họ đi từ Constantinopolis đến Trung Quốc để ăn trộm trứng tằm.[42] Kể từ đó, vùng Địa Trung Hải có nghề sản xuất lụa, đặc biệt phát triển ở Thrace, phía bắc Hy Lạp. Đông La Mã qua đó cũng trở thành đế quốc độc quyền sản xuất lụa ở châu Âu thời Trung Cổ cho đến khi mất đi lãnh thổ ở Nam Ý.[43] Dưới thời Heraclius trị vì (khoảng 610 – 641), nhà sử học Theophylactus Simocattus cũng viết thông tin tiết lộ về địa lý Trung Quốc, về thủ phủ Khubdan của quốc gia (tiếng Turk cổ: Khumdan, tức Trường An), về danh hiệu Taisson để gọi người cai trị lúc bấy giờ có nghĩa là "Con Trời" (tiếng Trung: 天子 Thiên tử, mặc dù danh hiệu này có thể bắt nguồn từ miến hiệu của Đường Thái Tông). Ông còn chỉ ra một cách chính xác về sự hợp nhất của Nhà Tùy (581 – 618) với Nhà Đường, xảy ra vào thời Mauricius trị vì. Đồng thời còn lưu ý rằng Trung Quốc từng bị chia rẽ chính trị dọc theo bờ sông Trường Giang do cuộc chiến tranh Nam–Bắc triều.[44]

Cựu Đường thưTân Đường thư đề cập đến một số sứ quán do Fu lin (拂菻; tức Đông La Mã) lập ra, mà họ thường gộp chung với Đại Tần (tức Đế quốc La Mã). Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đông La Mã bắt đầu vào năm 643 khi vua Ba Đa Lực (tức Konstans II) cử sứ giả đến biếu Đường Thái Tông những món quà, chẳng hạn như thủy tinh đỏ.[33] Hai sử ký kể trên cũng cung cấp những mô tả ngắn gọn về Constatinopolis, về bức tường thành của nó, về việc nó bị quân Đại Tự (tức Khalifah Umayyad) vây hãm và về chuyện tướng địch "Ma Duệ" (tức Muawiyah I, thống đốc của Syria trước khi trở thành khalifah) bắt Đông La Mã phải cống nạp.[33] Dựa trên các ghi chép của Trung Quốc, người ta biết rằng Mikhael VII Doukas (tiếng Trung: 滅力沙靈改撒 Diệt Lực Sa Linh Cải Tản) ở Fu lin từng cử một phái đoàn ngoại giao đến yết kiến Tống Thần Tông vào năm 1081.[33][45] Một vài người Trung Quốc dưới thời Tống tỏ ra quan tâm đến các quốc gia phương Tây. Lấy ví dụ như thanh tra hải quan ở Tuyền Châu vào thế kỷ 13 tên là Triệu Nhữ Quát đã mô tả về ngọn hải đăng Alexandria trong cuốn Chư phiên chí.[46]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_châu_Âu_ở_Trung_Quốc_thời_Trung_Cổ http://www.startribune.com/entertainment/art/79576... http://www.fordham.edu/halsall/eastasia/romchin1.h... http://nrs.harvard.edu/urn-3:hlnc.essay:YangJ.Hell... http://depts.washington.edu/uwch/silkroad/texts/we... http://www.christusrex.org/www1/ofm/fra/FRAht04.ht... http://www.doaks.org/publications/doaks_online_pub... //doi.org/10.1017%2F9781316335567.004 http://www.fides.org/en/news/25844-ASIA_CHINA_Fran... http://www.newadvent.org/cathen/03669a.htm //www.worldcat.org/issn/0307-1235